Close
Free HTML5 Bootstrap Template

About Me

Francisco Assisi. Maria
Nguyễn Yên CRM

Trở Lại Trang

VINH QUANG ĐỨC MARIA

Phạm Duy Lễ chuyển ngữ

MARIA TRẠNG SƯ CỦA LOÀI NGƯỜI

Uy thế của Mẹ bên Chúa Giêsu

Uy thế của các bà mẹ là một uy thế rất lớn, lớn cho đến nỗi các bà không bao giờ phải là thần hạ con mình, dầu cho con các bà là những bậc đế vương, nắm trong tay một uy quyền tuyệt đối trên khắp các thần dân trong nước.

Thật ra, ngày nay Chúa Giêsu Kitô đang hiển trị trên trời bên hữu Cha, và theo lời thánh Tôma giải thích, Chúa hiển trị bên hữu Cha cả với tư cách một người, một cá nhân trong nhân loại, vì con người của Chúa đã được hợp nhất với Ngôi Lời bằng một hợp nhất thần vị (unio hypostatica). Và do đó, Chúa hưởng dùng một uy quyền tối cao trên khắp cả mọi thụ tạo, gồm cả Rất Thánh Đồng Trinh Maria. Tuy nhiên, một điều phải chân nhận là đã có một thời gian, Chúa Cứu Chuộc chúng ta sống dưới trần gian, từng muốn tự khiêm hạ đến tùng phục uy thế của Mẹ Maria, như thánh Luca đã chứng thực: Chúa tùng phục cha mẹ (Lc 2, 51). Thánh Ambrosiô thêm: “Chúa còn tự buộc mình phải tùng phục Mẹ Maria nữa, vì Chúa đã nhận Mẹ làm Mẹ mình”. Cha Risa nhận định, “ta thấy các thánh sống với Thiên Chúa trong sự tùng phục các mệnh lệnh Chúa truyền, nhưng về Mẹ Maria thì có thể nói Mẹ đã được một đặc ân rất lớn lao: không những Mẹ phục tùng thánh ý Thiên Chúa, mà còn được Thiên Chúa tùng phục ý muốn của mình. Nói về các nữ trinh, Thánh Kinh nói là họ theo chân Con Chiên đi khắp các nơi, nhưng về Mẹ Maria thì có thể nói Con Chiên đã theo chân Mẹ ở dưới đất, vì, theo lời thánh Luca, Chúa đã vâng phục Mẹ.

Theo đó, chúng tôi kết luận rằng: nếu ở trên trời, Mẹ Maria không được quyền truyền khiến Con Mẹ, thì những lời Mẹ cầu xin bao giờ cũng là những lời của một Người Mẹ, nên rất có thế lực để đạt được tất cả những điều Mẹ xin. Thánh Bonaventura cảm thán: “Mẹ Maria được đặc ân có toàn quyền bên Con Mẹ”. Tại sao Mẹ được đặc ân ấy? Thưa, chính vì lẽ tôi vừa trình bày trên, và sẽ bàn giải thêm sau đây, ấy là lời Mẹ cầu xin là lời cầu bầu của một Người Mẹ.

Thánh Phêrô Đamianô cũng nương theo lý do ấy mà thưa với Mẹ rằng: “Mẹ được toàn quyền trên trời dưới đất. Mẹ làm được tất cả những gì Mẹ muốn; đối với Mẹ, không có gì là bất khả, vì Mẹ có thể phấn khởi được cả những người tuyệt vọng để họ tin mình sẽ được giải thoát”. Thánh nhân lại thêm: khi, để xin cho chúng ta ơn nào, Mẹ Maria đến trước Chúa Giêsu (mà thánh nhân gọi là tòa tình thương, nơi tội nhân đến cầu ơn tha thứ), thì Mẹ ra lệnh hơn là cầu xin, Mẹ không xử sự như một thần hạ, mà như một Nữ Vương; Chúa Giêsu cũng rất chú tâm đến lời Mẹ nguyện cầu, và rất ước ao làm hài lòng Mẹ. “Vâng, lạy Mẹ Maria, khi Mẹ ra trước tòa công lý đời sau để giao hòa loài người với Thiên Chúa, Mẹ đã mặc phong thái của một Nữ Vương hơn một thần hạ, vì Chúa là Con Mẹ, vẫn tôn kính Mẹ, không thể từ chối Mẹ ơn nào”. Nghĩa là để tôn kính Người Mẹ chí ái đã từng kính tôn Chúa suốt cuộc đời tại thế, Chúa Giêsu ưng thuận ngay tất cả những gì Mẹ Maria mong cầu. Điều đó, thánh Germanô cũng từng xác nhận khi kính dâng lên Mẹ những lời đẹp đẽ này: “Lạy Mẹ Thiên Chúa, Mẹ có quyền toàn năng để cứu thoát tội nhân, và Mẹ chẳng cần phải cậy nhờ ai bên Chúa Giêsu, vì Mẹ là Mẹ sự sống chân thật”.

Thánh Bênađinô Siêna táo bạo quả quyết: “Hết mọi loài, kể cả Thiên Chúa, đều thần phục uy quyền Mẹ Maria”. Thánh nhân muốn nói: Thiên Chúa ưng nghe lời Mẹ cầu xin như là tùng phục mệnh lệnh của Mẹ. Cũng hiểu như thế, nên trước nữa, thánh Anselmô kêu lên cùng Mẹ rằng: “Lạy Nữ Trinh, Chúa đã sủng ái Mẹ với một cao độ tuyệt vời, đến nỗi Mẹ có quyền tuyệt đối xin cho các tôi tớ Mẹ hết mọi thánh ân”. Theo tác giả Côsimô Giêrusalem, sở dĩ được thế là “vì quyền cầu bầu của Mẹ là toàn năng”. “Phải, cha Risa nối lời, phải, Maria là Mẹ toàn năng, vì theo bất cứ luật nào, hoàng hậu đều được hưởng dùng cùng những đặc ân của hoàng đế; do đó, Chúa Giêsu và Mẹ Maria cũng có chung một quyền uy, Mẹ là Mẹ toàn năng vì Chúa là Chúa toàn năng”. Thánh Antôninô viết: “Quyền uy của Mẹ Maria là quyền toàn năng, đến nỗi không những Thiên Chúa đã đặt Giáo hội dưới quyền bảo hộ của Mẹ, mà lại dưới vương quyền và uy thế của Mẹ nữa”.

Quyền toàn năng do ân sủng

Mẹ và Con phải được hưởng dùng cùng một quyền năng như vậy, nên Chúa Giêsu toàn năng cũng tôn phong cho Mẹ Maria có quyền toàn năng. Nhưng ta phải hiểu cho đúng rằng Chúa Giêsu bao giờ cũng toàn năng do bản tính mà Mẹ Maria chỉ toàn năng do ân sủng. Trong thực tế, chẳng có điều nào Mẹ Maria cầu xin mà lại bị Chúa Giêsu từ chối, như thánh nữ Brigita đã được mặc khải cho biết. Một lần, thánh nữ nghe Chúa Giêsu đàm đạo với Mẹ Maria rằng: “Mẹ ạ, Mẹ biết Con yêu mến Mẹ đến đâu, Mẹ cứ xin tất cả những gì Mẹ muốn: Mẹ xin gì đi nữa, Con cũng không thể không chấp nhận được”. Chúa đã lý luận một cách thiết thực như thế này: “Mẹ đã chẳng từ chối Con điều gì dưới đất, thì Con cũng sẽ chẳng từ chối Mẹ điều gì trên trời”. Có khác gì Chúa nói: Thưa Mẹ, lúc Mẹ còn tại thế, Mẹ đã chẳng từ chối con điều gì vì yêu Con, thì ngày nay Con đã ở trên trời, Con cũng chẳng có thể từ chối điều gì Mẹ xin cả.

Ta lại nên chú ý điều này: nếu Mẹ Maria được quyền toàn năng, thì cũng là được theo cách thức thích hợp với một thụ tạo, tức là một hữu thể không thể có được một thuộc tính nào của Thiên Chúa. Thánh Nữ Đồng Trinh toàn năng theo nghĩa là Mẹ dùng lời cầu xin mà đạt được tất cả những gì Mẹ muốn, thế thôi.

Ôi Nữ Trạng Sư cao cả của chúng con, thánh Bênađô đã rất có lý khi thưa với Mẹ rằng: “Hễ Mẹ muốn là mọi sự tất thành”; và lời thánh Anselmô: “Dầu Mẹ muốn gì đi nữa, không điều nào lại không thành tựu được”. Muốn đem một tội nhân hư hỏng nhất lên bậc thánh thiện cao cả, Mẹ cũng chỉ muốn là được. Về điểm này, thánh Anbêtô Cả thác lời Mẹ: “Chỉ cần người ta xin Mẹ muốn mà thôi, vì Mẹ đã muốn, tất vạn sự đều thành quả”. Thế nên, thánh Phêrô Đamianô đã cao tiếng kêu gọi đến quyền toàn năng của Maria để xin nài Mẹ thương xót: “Mẹ hãy lắng nghe theo những nhịp lòng Mẹ rung động, Mẹ hãy cân nhắc khả năng định đoạt của Mẹ, vì Mẹ càng toàn năng, thì càng phải tỏ ra là Mẹ thương xót”.

Ôi Maria, ôi Nữ Trạng Sư chí ái của chúng con, vì lòng Mẹ mông mênh tình trắc ẩn đến nỗi không thể thấy một quẫn bách nào mà không mủi lòng, và vì uy thế của Mẹ nơi Thiên Chúa là một uy thế rất lớn lao, cứu được hết mọi người Mẹ đã nhận hộ phù cho, xin Mẹ đoái thương bắt tay điều hành ngay vụ chúng con sắp ra trước tòa công lý đời sau đi, chúng con hoàn toàn hi vọng nơi Mẹ. Nếu lời chúng con cầu xin không kích động được từ tâm Mẹ, thì xin Mẹ nghe theo tiếng gọi của tấm lòng nhân ái Mẹ, hay ít ra hãy làm sáng tỏ quyền năng của Mẹ, vì Chúa đã tạo dựng Mẹ toàn năng, chính là để Mẹ càng nhân từ bao nhiêu, càng sẵn sàng đến cứu trợ chúng con bao nhiêu, thì càng có đủ quyền lực cấp cứu chúng con bấy nhiêu. Điều này, thánh Bênađô đã từng quả quyết với chúng con, ngài nói: “Tình thương của Mẹ Thiên Chúa vừa cực kỳ uy thế, vừa cực kỳ nhân từ, Mẹ tràn trề tình thương cảm, Mẹ lại dư đầy thế hộ phù, cả hai Mẹ cùng giầu sang dư tràn cả”.

Thi hành nhiệm vụ cầu bầu

Ngay từ những ngày còn sống tại trần gian, Mẹ cũng đã ngày đêm nuôi một tư tưởng duy nhất là làm vinh danh Thiên Chúa, rồi cứu trợ kẻ khốn cùng, và cũng ngay từ đó, Mẹ đã hưởng dùng đặc ân luôn luôn được Chúa nghe lời. Ta thử đọc lại câu chuyện xảy ra tại một tiệc cưới thành Cana xứ Galilê. Rượu tiệc chợt hết, Rất Thánh Đồng Trinh đã xúc cảm vì nỗi khó khăn và sự bẽ mặt của gia đình này; Mẹ liền đến xin Con Mẹ làm một phép lạ để an ủi họ: Họ hết rượu rồi. Chúa Giêsu trả lời: Truyện đó can hệ gì đến bà với tôi, bà? Giờ tôi đã đến đâu (Ga 2, 3-4). Ta cần chú ý, Chúa Giêsu làm ra vẻ từ chối Mẹ Maria, không ban ơn Mẹ muốn, vì Chúa trả lời: Bà ơi, rượu hết thì có can gì đến chúng ta; tôi sẽ không làm phép lạ nào bây giờ cả, vì chưa đến lúc tôi định ra giảng thuyết, chưa đến lúc tôi thi hành những phép lạ dấu kỳ để củng cố giáo lý tôi sẽ dạy. Tuy nhiên, cứ chắc rằng Con Mẹ vừa ưng thuận lời Mẹ xin, Mẹ Maria nói với gia nhân: Người bảo sao các ông cứ làm như vậy, rồi các ông sẽ khỏi lúng túng. Quả nhiên, khi người ta đổ đầy sáu chum nước rồi, Chúa Giêsu đã biến nước đó thành một thứ rượu hảo hạng, để chiều lòng Mẹ. Nhưng sao lại như thế được? Nếu Chúa đã định đến khi ra giảng mới làm phép lạ, thì sao Chúa lại làm phép lạ trong tiệc cưới đó, thế lại chẳng là ngược với ý định của Chúa ư? Không, thánh Âutinh trả lời, không ngược chút nào. Nói tổng quát thì ta phải nhận thật rằng thời gian Chúa định làm phép lạ chưa đến, nhưng từ vĩnh tại, Chúa cũng ban bố một thánh lệnh tổng quát khác, định hẳn không một điều gì Mẹ Maria xin mà lại phải từ chối. Và Mẹ Maria, ý thức rõ rệt được đặc ân mình thụ hưởng, đã không lo ngại gì trước câu từ chối bề ngoài của Con Mẹ, mà cứ đường đường xử sự như là lời Mẹ xin đã được nghe rồi.

Lối giải thích trên đây cũng là của thánh Gioan Kim khẩu khi suy niệm những lời: Truyện đó có can gì đến bà với tôi, bà? Thánh nhân viết: “Dầu đã trả lời như thế, Chúa Giêsu cũng vẫn vội vàng theo lời Mẹ Maria xin, để tôn trọng Mẹ”. Và thánh Tôma xác nhận những lời chúng tôi giải thích trên như sau: “Qua những lời: Giờ tôi chưa đến, Chúa tỏ ra sẽ không làm phép lạ này, nếu một người khác không phải Mẹ Maria xin; nhưng vì lời xin lại là của Mẹ, nên Chúa đã làm ngay”. Theo tác giả Barrađa, đó cũng là chủ trương của thánh Cyrilô Alêxanria và thánh Ambrôsiô. Đó cũng là chủ trương của Gianseniô thành Găng khi ông viết: Để tôn trọng Mẹ Maria, Chúa Giêsu đã đi trước thời giờ định làm phép lạ.

Nói tắt rằng nhất định không một thụ tạo nào có thể xin cho bọn người cùng quẫn chúng ta nhiều ân sủng như vị Nữ Trạng sư cao cả này được. Thiên Chúa tôn trọng Mẹ, không những như là một nữ tì ưu ái của Chúa, mà lại nhất là như một người Mẹ. Đức Cha Guliêmô, giám mục Paris, quả quyết như vậy khi thưa với Mẹ Đồng Trinh: “Không thể có thụ tạo nào xin được Con chí thánh Mẹ ban cho những người cùng khổ những ân huệ vô số và lớn lao như Mẹ đã xin cho. Chắc chắn Chúa Giêsu muốn tôn trọng Mẹ không những như một nữ tì trung tín, mà còn vì Mẹ là Mẹ thật yêu dấu của Chúa”.

Mẹ Maria chỉ cần nói một lời thôi, là Chúa Giêsu làm thỏa mãn ngay ước nguyện của Mẹ. Trao lời cho người Bạn Tình trong Diễm ca, Chúa nói: Hỡi Bạn Tình đang ở trong vườn, nói lên một tiếng đi, các bạn thân của ta đang lắng nghe (Dc 8, 13). Người Bạn Tình này chính là Mẹ Maria, và các bạn thân của Chúa là các thánh. Lúc cầu xin một ân huệ nào giúp đỡ thân chủ của các ngài, các thánh đều đợi chờ Đức Nữ Vương Maria xin cho, vì, như tôi đã trình bày ở chương trước, ân sủng nào ban xuống cũng phải qua tay Mẹ Maria. Về phía Mẹ Maria, Mẹ cần làm thế nào để lời Mẹ xin được nhận? Mẹ chỉ cần nói lên một tiếng đủ Con Mẹ nghe thấy là được. Chúa Giêsu nói: Mẹ hãy nói lên một lời thôi. Chỉ một lời Mẹ Maria nói lên là đủ để Con Mẹ nghe lời. Giảng nghĩa đoạn trên trong sách Diễm ca, đức cha Guliêmô Paris thác lời Chúa Giêsu nói với Mẹ như sau: “Hỡi Người Mẹ đang ở trong vườn thiên quốc của Con, Mẹ cứ tin tưởng can thiệp cho người nào Mẹ muốn. Vì Con là Con Mẹ, Con không thể quên được điều ấy mà từ chối Mẹ là Mẹ Con điều gì Mẹ xin được. Mẹ chỉ cần nói một lời, một lời thôi: Mẹ biết đó, Con Mẹ chỉ có việc nghe theo lời Mẹ”.

Giá trị lời cầu của Mẹ Maria

Ta chân nhận rằng Mẹ Maria phải cầu xin Chúa mới ban ơn. Nhưng ta cũng phải chân nhận rằng Mẹ cầu xin với uy quyền của một người Mẹ, cho nên chúng ta phải gạt bỏ hết mọi hoài nghi mà tin chắc rằng Mẹ đạt được tất cả những gì Mẹ ước nguyện, tất cả những gì Mẹ xin cho chúng ta. Cha Gôđêphiđô viết: “Chúa Giêsu xuống thế làm người, Người đã tiếp nhận hữu thể nhân loại từ Đức Thánh Trinh Nữ, cho nên hết mọi giáo hữu đều tin thật rằng Mẹ Maria cầu xin Con Mẹ với uy thế của một Người Mẹ để được những gì Mẹ muốn”.

Sử gia cổ Rôma Valêriô Maximô (1) thuật truyện tướng Côriôlanô1 rằng: khi ông đem lực lượng hãm thành Rôma, tất cả các bạn hữu cũ của ông cũng như toàn dân đều hoài lời van vỉ, không sao làm ông kích cảm khỏi gieo rắc thảm họa cho quê hương mình. Họ đành bó tay thúc thủ, để mặc ông xua quân phá thành. Nhưng khi mẹ ông là bà Veturia ra xin, thì nhà tướng gan góc đó đã không sao cưỡng lại được lời xin của bà, lập tức ra lệnh giải vây Rôma. Lời cầu xin của Mẹ Maria còn có mãnh lực hơn lời xin của bà Veturia nhiều. Chúa Giêsu càng là một Người Con hiếu nghĩa tri ân, càng mến yêu Mẹ rất mực, thì lời Mẹ xin càng có mãnh lực khiến Chúa nghe theo. Cha Giutinô Miêchovitch viết: “Một ước nguyện của Mẹ Maria có giá trị hơn lời cầu xin của tất cả các thánh hợp một”. Đến ngay ma quỉ, theo cha Paciucchelli thuật lại, một hôm bị lệnh thánh Đaminh cưỡng bách, cũng phải thú thật, qua miệng một người nó ám nhập rằng: chỉ một ước nguyện của Mẹ Maria cũng có uy thế trước mặt Chúa hơn tất cả các lời nài van chung lòng của các thánh.

Thánh Antôninô cũng nói tương tự rằng: “Những lời cầu xin của Mẹ Maria, vì là lời của một người Mẹ, có tính cách như một mệnh lệnh, cho nên những lời cầu xin ấy không thể không được chấp nhận”. Và thánh Germanô, để khuyến khích các tội nhân tin tưởng vào vị Nữ Trạng sư này, đã kêu lên cùng Mẹ: “Ôi Maria, đối với Thiên Chúa, Mẹ sử dụng uy thế của một Người Mẹ, nên Mẹ xin được Chúa tha thứ cho cả những tội tầy trời nhất, vì, lúc nào cũng xử với Mẹ như với Mẹ thật tinh tuyền của Chúa, Chúa không thể không nhận lời Mẹ”. Thánh Brigita nghe thấy các thánh trên trời ca tụng Mẹ Maria rằng: “Vinh danh Mẹ, lạy Nữ Vương chúng con, chẳng có gì vượt được trên quyền Mẹ! Mẹ chỉ muốn đã đủ cho vạn sự tựu thành”. Câu thơ phổ biến sau đây cũng cùng ý nghĩa đó:

Lời cầu của Mẹ làm nên

Những gì Thiên Chúa phán truyền làm ra (2).

Thánh Âutinh sốt sắng hỏi: “Sao? Chúa đã tuyên bố Người xuống trần không phải để hủy diệt luật pháp; luật pháp đó đòi chúng ta phải tôn kính cha mẹ, vậy tôn kính Mẹ Maria lại chẳng là điều thích đáng với lòng nhân từ của Chúa sao?” Hơn nữa, đức cha Gêôgiô, tổng giám mục Nicômêđia thêm: Nếu Chúa Giêsu Kitô chấp nhận hết mọi lời Mẹ cầu xin như vậy, thì chỉ là một cách trả xong món nợ tri ân, vì Mẹ đã bằng lòng cung cấp cho Chúa một hữu thể nhân loại. “Ưng nghe lời Mẹ cầu xin, là Con Mẹ đã trả xong Mẹ một món nợ”. Thánh Mêthôđô tử đạo cũng cảm động cao lời: “Vui lên, Maria Mẹ ơi, vì Mẹ được hân hạnh có một khách nợ là chính Con Thiên Chúa, Người đã cho cả thế giới vay nợ, chứ không phải nhờ vả ai. Chúng con hết thảy đều là loài người nặng nợ, chẳng có gì chúng con có mà chẳng phải là một ân tứ Chúa ban, nên chúng con tất cả đều là con nợ của Chúa. Nhưng Mẹ thì không thế, Thiên Chúa đã muốn làm con nợ của Mẹ khi nhận được nơi Mẹ một thân xác để trở nên Con Người”. Thánh Âutinh nối lời: “Rất Thánh Đồng Trinh Maria đã có công trong việc trao tặng Ngôi Lời một xác thể nhân loại, chuẩn bị giá chuộc chúng ta, nên Mẹ có dư khả năng giúp đỡ chúng ta hơn hết thảy các thánh, để xin cho linh hồn chúng ta được giải cứu”. Và thánh Thêôphilê, thượng phụ giáo chủ Alêxanria, người đồng thời với thánh Giêrônimô, cũng viết: “Ôi! Mẹ Maria cầu xin thì vui lòng Chúa biết mấy! Vì Chúa chỉ muốn tùy lời Mẹ xin mà ban ân huệ cho chúng ta; làm như vậy, Chúa mới nhận rằng đã trao trả Mẹ món nợ mà Chúa đã mượn khi mặc xác thể trong lòng Mẹ”. Rập theo những lời trên, thánh Gioan Đamát tán tụng: “Ôi Maria, lời cầu xin của Mẹ giải thoát được hết mọi người, vì lời cầu ấy là lời cầu có mặc uy thế của một người Mẹ”.

Sau cùng, để chấm dứt tiết này, chúng tôi xin trích ra đây những lời thánh Bonaventura thân thưa cùng Mẹ, để suy niệm xem chúng ta đã được Chúa ban bao ân huệ, khi đặt Mẹ Maria làm trạng sư biện hộ cho ta: “Ôi Chúa nhân từ đại lượng đáng thán phục biết bao! Mẹ là Mẹ Người và là Nữ Vương thiên quốc, mà Chúa lại tuyển nhiệm Mẹ làm Trạng sư biện hộ cho lũ tội nhân rủi phận chúng con, để Mẹ dùng quyền can thiệp vạn năng mà xin cho chúng con hết mọi ân sủng Mẹ muốn”. Rồi tưởng đến tình thương của Chúa, thánh nhân lại tiếp: “Ôi tình thương lạ lùng của Chúa! Muốn một ngày kia khỏi phải tuyên án tống giam chúng con vào ngục tuyệt vọng đời đời, Chúa đã ban Mẹ là Mẹ Chúa, là Chủ tối cao kho tàng ân sủng, làm Trạng sư bầu chữa chúng con”.

Người tử tù tốt phúc

Cha Raoãi, thuộc dòng Camađulê, thuật truyện3 một thanh niên mồ côi cha sớm. Mẹ chàng gửi chàng vào hầu cận một hoàng thân. Bà vốn có tâm tình yêu mến Đức Mẹ, nên lúc từ giã con, bà đã cẩn thận dặn dò con và bắt hứa với bà hằng ngày phải đọc một kinh Kính Mừng và thêm câu:

- Lạy Đức Nữ Trinh đầy phúc đức, xin cứu giúp con trong giờ lâm tử.

Rồi chàng vào đền ông hoàng. Chàng hoang phí đài các đến nỗi ông buộc phải thải chàng ra. Thất vọng vì thấy không còn phương cứu chữa, chàng nhập bọn du thủ du thực, ăn cướp, giết người, nhưng vẫn trung thành với điều đã hứa với bà mẹ. Ít lâu sau, chàng sa lưới pháp luật. Tòa lên án tử hình. Đêm trước ngày bị hành quyết, chàng thần thượi ngồi bó gối trong tù ôn lại dĩ vãng. Chàng than thân trách phận vì bị ô danh, vì làm ưu phiền mẹ chàng, và vì cái chết đang chờ. Bỗng ngước lên, chàng thấy một trang thanh niên ra phết công tử niềm nở hỏi chào. Thanh niên này nói mình đến cốt để cứu chàng thoát tù tội và thoát cả chết nữa. Chàng vui mừng. Người thanh niên ra cho chàng những điều kiện phải giữ. Chàng ưng thuận. Thanh niên bèn xưng mình là quỉ và bảo chàng nếu muốn thoát thì phải chối Chúa Giêsu và các nhiệm tích. Chàng cũng ưng nhận. Quỉ lại bắt chàng phải chối cả Đức Mẹ và không được xin Người phù hộ nữa. Chàng kêu lên:

- Thế thì chả chơi, không bao giờ tôi chịu làm thế;

Rồi ngước lên nhìn Đức Mẹ, chàng đọc lại lời kinh vắn tắt mẹ chàng đã nhặn:

- Lạy Đức Nữ Trinh đầy phúc đức, xin cứu giúp con trong giờ lâm tử.

Vừa nghe lời đó, quỉ biến hút, để mặc chàng chìm ngụp vào một nỗi phiền sầu cay cực vì đã chối Chúa. Nhưng chàng lại chạy đến với Mẹ Maria, xin Mẹ cầu xin cho chàng ơn thống hối tội lỗi. Rồi đầm đìa nước mắt mà xưng tội với lòng ăn năn tuyệt hảo.

Lúc điệu chàng từ ngục thất ra xử án ở giảo đài, trên lối đi, chàng gặp một tượng Đức Mẹ. Chàng cúi đầu chào và đọc lại lời quen đọc:

- Lạy Đức Nữ Trinh đầy phúc đức, xin cứu giúp con trong giờ lâm tử.

Đột nhiên, dân chúng kêu lên vang ầm. Họ vừa chứng kiến một sự lạ: tượng Đức Mẹ cũng cúi đầu ưng thuận. Rất mực xúc cảm, chàng xin cho phép đến hôn chân tượng Đức Mẹ. Lính áp giải từ chối, nhưng vì dân chúng cũng rất mực cảm thương xin cho, họ mới bằng lòng. Lúc chàng thanh niên cúi xuống hôn chân tượng, tượng Đức Mẹ liền giơ tay ôm lấy chàng, chặt đến nỗi không thể gỡ được. Dân chúng chứng kiến sự lạ kêu lên:

- Xin ân xá! Xin ân xá cho hắn!

Chàng được ân xá.

Trở về quê hương, chàng thanh niên ấy sống một đời gương mẫu, trung thành phụng sự Đức Mẹ, Đấng đã cứu chàng thoát chết cả hai phần.

Xin Mẹ nói lên một lời

Ôi Maria là Mẹ uy nghi Thiên Chúa, con xin cùng với thánh Bênađô mà xin Mẹ nói lên một lời, vì con Mẹ hằng lắng nghe lời Mẹ, và Mẹ xin được tất cả những gì Mẹ muốn. Lạy Nữ Trạng sư của chúng con, vậy xin Mẹ hãy nói lên một lời biện hộ cho lũ người quẫn bách chúng con. Xin Mẹ nhớ Mẹ được hưởng dụng một quyền uy trọng đại, một chức vụ cao cả như vậy là cốt để bào chữa cho chúng con. Một Thiên Chúa đã tự muốn trở thành con nợ của Mẹ, khi mặc xác thể nhân loại trong lòng Mẹ, là để Mẹ tùy sở ý mà phân phát những tài sản tình thương của Chúa cho những người cùng quẫn chúng con.

Chúng con là tôi tớ Mẹ, chúng con nhất tâm phụng sự Mẹ hết tình – (con nói chúng con, vì con hi vọng cũng được vào số các tôi tớ này) – và vinh dự của chúng con là được sống dưới sự phù trì của Mẹ. Nếu Mẹ đã làm ơn lành cho hết mọi người, cả những người xúc phạm đến Mẹ, thì sao chúng con, những người đang tôn kính Mẹ, đang yêu mến Mẹ, đang tin tưởng ở Mẹ, lại không được quyền cậy trông ở từ tâm của Mẹ, từ tâm luôn luôn đi tìm những kẻ khốn cùng để cứu vớt? Chúng con thật là những tội nhân trọng phạm, nhưng Chúa đã làm giầu cho Mẹ một tình trắc ẩn và một quyền năng cao cả vượt hẳn trên những bất chính của chúng con, Mẹ có thể và muốn giải cứu chúng con; càng bất xứng thì chúng con càng mong giải thoát để Mẹ được cao vinh trên thiên đàng, khi chúng con được đón nhận vào đó vì có Mẹ biện hộ cho.

Ôi Mẹ tình thương, chúng con kính dâng linh hồn chúng con lên Mẹ. Linh hồn chúng con là những linh hồn xưa kia đẹp đẽ, khi Chúa Giêsu rửa trong Máu thánh Người. Nhưng rồi, than ôi! tội lỗi đã phủ bùn lấm lên nó. Giờ đây, chúng con dâng lên Mẹ để Mẹ thanh tẩy linh hồn chúng con. Xin Mẹ cho chúng con được ơn thống hối thật, được lòng mến yêu Chúa, được bền tâm và được nước trời. Chúng con đã xin Mẹ quá nhiều, nhưng Mẹ lại không xin được Chúa ban mọi ơn đó ư? Con xin như vậy đã là quá đối với lòng Chúa yêu mến Mẹ rồi ư? Hẳn không, Mẹ chỉ cần nói với Con Mẹ một lời thôi: Chúa có từ chối Mẹ điều gì đâu. Vậy lạy Mẹ Maria, xin cầu cho chúng con, xin cầu cho chúng con. Xin cầu cho chúng con đi! Thế nào Mẹ cũng được Chúa nhậm lời, và thế nào chúng con cũng được giải thoát.